11/08/2013

HIV/ADIS: Không phân biệt đối xử

Nêu suy nghĩ và hành động của anh/chị về lời kêu gọi của Kofi Anna: “Hãy cùng tôi đánh đổ thành lũy của sự im lặng, kỳ thị và phân biệt đối xử dịch bệnh này”.
Bài làm
Trải qua hơn hai thập kỷ tồn tại, cho dù ý thức trước dịch bệnh HIV/AIDS trong người dân đã được cải thiện ở các nước kém phát triển lẫn các nước tiên tiến thế nhưng vẫn còn đó sự xa rời, khó chịu đối với những người mắc phải. Vì thế, lời kêu gọi “hãy cùng tôi đánh đổ thành lũy của sự im lặng, kỳ thị và phân biệt đối xử dịch bệnh này” của Kofi Anna đã thúc đẩy một ý chí mạnh mẽ hơn để cùng đoàn kết và đương đầu với căn bệnh thế kỷ này.
Trong câu nói trên, “thành lũy của  sự im lặng, kỳ thị và phân biệt đối xử” chính là thái độ xa lánh đã ăn sâu vào nếp nghĩ của  rất nhiều người, những ánh mắt, vẻ mặt ghét bỏ thậm chí là những hành động xua đuổi với những bệnh nhân HIV/AIDS. Chính vì sự phân biệt đối xử nặng nề tưởng chừng như không thể lay chuyển này, hành động “đánh đổ” tức là loại bỏ sự xua đuổi, ghét bỏ và nâng cao ý thức một cách tích cực chính là việc làm bức thiết nhất. Thế nhưng, cuộc chiến không khoan nhượng này chỉ có thể thành công bởi sự nỗ lực của rất nhiều người, sự hợp tác hết mình này mới có thể tạo ra sự thay đổi bước ngoặt. Vì vậy, lời kêu gọi của Kofi Anna đã thể hiện đầy đủ sự quyết tâm tới cùng để chống lại sự phân biệt đối xử đang dần dần biến căn bệnh này thêm nguy hiểm.
Bởi ý thước trước dịch bệnh này là yếu tố tiên quyết đề đẩy lùi nó nên càng nguy hại hơn khi một xã hội kỳ thị không nhận ra tác hại của việc im lặng và kỳ thị với những người mắc. Trước hết, đối với bản thân người mắc, càng bị xa lánh họ càng ý thức kém hơn về việc lây lan cho người khác, cùng với đó, không có sự giao tiếp, sẻ chia, họ càng thêm hủy hoại bản thân và căm thù người khác, dù rằng tình trạng của họ có thể tích cực hơn và có thể đóng góp cho công việc như những người bình thường. Bao quát hơn, đối với cộng đồng, việc phân biệt đối xử càng làm gia tăng thêm những tệ nạn xã hội, làm căng thẳng hơn mối quan hệ giữa người với người, và  nghiêm trọng hơn, để lại một sự kỳ thị còn nặng nề hơn cho thế hệ tiếp nối. Vì thế, việc đấu tranh với sự kỳ thị này không chỉ có ích với cá nhân mà còn với tập thể, không chỉ tác dụng lên con người của ngày hôm nay mà còn trong tương lai.
Nguyên nhân dẫn đến sự kỳ thị này có thể chia thành hai hướng khác biệt là sự phân biệt đối xử của những con người không có ý thức với bệnh và những con người có giáo dục đầy đủ về HIV/AIDS nhưng không hợp tác phòng chống bệnh bởi sự ích kỷ của bản thân. Với trường hợp thứ nhất, cách đối xử của họ chịu sự ảnh hưởng của định kiến xã hội nặng nề, tuy nhiên, lại dễ dàng định hình lại ý thức để hiểu rõ hơn về bệnh và cởi mở hơn với người mắc. Tuy nhiên, đối phó với sự ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân thì cần có một chặng đường dài và rõ ràng hơn để họ học được sự chia sẻ, cảm thông với sự tủi thân, lẻ loi của người mắc đồng thời có thể tạo nên tác động về giáo dục mạnh mẽ hơn về phòng chống bệnh. Lấy ví dụ về việc áp dụng các biện pháp phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam, do chịu ảnh hưởng của văn hóa, người Việt rất ngại và khó chịu khi nhắc đến những vấn đề nhạy cảm này, cùng với ý thức kém và quan niệm nặng nề về những bệnh xã hội, công tác phòng chống việc kỳ thị và phân biệt đối xử với dịch bệnh này cần phải kết hợp nhiều yếu tố kể trên.
Để giải quyết tình trạng phân biệt này, đối với trường hợp người dân thiếu ý thức thì cần giáo dục ý thức đầy đủ, tuyên truyền những kiến thức cần thiết một cách ngắn gọn, dễ hiểu, để họ dễ dàng tiếp thu và áp dụng. Còn đối với những người chỉ muốn chăm chăm bảo vệ lợi ích của bản thân, cần tổ chức những chương trình thăm viếng, phỏng vấn về cuộc sống của người mắc để họ có thể tiếp cận để hiểu hơn cuộc sống của những con người khó khăn, dễ bị tổn thương trong xã hội này, thế nên, biện pháp này cần nhiều thời gian mới có thể thực hiện thành công được. Nhưng hơn hết, về lâu dài, các chính sách đối với các đối tượng bị nhiễm HIV/AIDS ở các nước cần có sự đầu tư cụ thể và khoa học hơn từ khâu phát hiện, điều trị cho người nhiễm đến các chương trình tái hòa nhập cộng đồng cho người nhiễm, người nhiễm tự giúp đỡ nhau và tuyên truyền cách phòng chống cho cộng đồng. Đối với bản thân học sinh, những việc làm trong tầm tay là tự gầy dựng ý thức cho bản thân và kêu gọi những người xung quanh cởi mở hơn với những người mắc bệnh. Như thế, việc phòng chống HIV/AIDS cần phải xuất phát từ những việc nhỏ đến những việc làm bao quát hơn.
Thực tế, gần đây đã có một người trên thế giới đã được chữa trị khỏi căn bệnh thế kỷ này, điều này sẽ không thể xảy ra nếu không có sự đồng lòng hợp tác điều trị, không có bất kỳ kỳ thị hay phân biệt nào. Vì thế, lời kếu gọi của Kofi Anna rất có giá trị trong việc nâng cao ý thức đối với HIVAIDS trong hiện tại và tương lai.

Không có nhận xét nào:

Đăng Kí Thành Viên