11/08/2013

Chuyện cổ tích giữa đời thường


Chị Trần Bình Gấm
CÔ GÁI LÀM NÊN CÂU CHUYỆN CỔ TÍCH THỜI HIỆN ĐẠI 
“Muốn thoát nghèo chỉ có mỗi con đường: học!”

Trần Bình Gấm sinh ra trong một gia đình có năm chị em (ba gái, hai trai). Là chị thứ ba, nhưng có thời Gấm như là “người mẹ thứ hai” trong gia đình.

Nhà nghèo không có tiền chữa căn bệnh ung thư phổi nên bố mất sớm. Nỗi đau ấy khiến cô bé gầy còm, với đôi kính cận dày cộp quyết tâm phấn đấu trở thành bác sĩ.

Bươn chải giữa cuộc đời.

 
Những tháng ngày bươn chải kiếm sống
Từ năm Gấm học lớp năm thì gia đình bắt đầu suy sụp do công việc làm ăn của cha mẹ gặp thất bại. Để phụ giúp gia đình, chị Hai của Gấm đã phải nghỉ học theo phụ mẹ bán hàng rong. Gấm may mắn hơn còn được đến trường, nhưng sau giờ học cũng theo mẹ và chị Hai bán, nhất là dịp hè, chuyện buôn bán là chuyện chính của Gấm. Nhà ở gần ga, Gấm thường nhảy tàu theo bán đến Ga Sài Gòn rồi đi bộ về.

Khi Gấm lên cấp hai, sự học tưởng chừng gãy gánh vì một lần nữa mẹ làm ăn thất bại, phải bán nhà. Sau khi trang trải nợ nần, cha mẹ mua lại căn nhà nhỏ (219/1 Trần Văn Đang, P.11, Q.3) diện tích chỉ hơn 10m2. Hàng đêm chiếc xích lô của bố chiếm hết một khoảnh nhà, còn lại là chỗ ngủ của cả gia đình bảy người, chật đến nổi việc trở người cũng khó khăn.

Khó khăn chồng chất khó khăn, có được căn nhà thì tiền cũng hết. Để có vốn buôn bán, mẹ Gấm phải vay tiền trả góp. Mượn nợ thì dễ, nhưng để trả được các khoản “lãi mẹ đẻ lãi con”, khi hàng ngày phải nuôi bảy miệng ăn, thì không dễ chút nào. Cảnh chủ nợ đến hăm dọa, đòi đốt nhà ngày nào cũng xảy ra.

Suốt những năm phổ thông, để phụ giúp gia đình, sau giờ học Gấm lang thang khắp hang cùng ngỏ hẻm đi bán vé số hoặc ngồi ở đầu hẻm bán khoai, bột chiên, mía ghim... Tính của Gấm vốn lầm lụi ít nói và không chèo kéo, “than nghèo kể khổ” nên khi đi bán vé số rất ít người mua, để bù lại cô bé đã phải đi thật nhiều nơi, chào mời thật nhiều người… Tiền kiếm được, chỉ vài mươi ngàn mỗi ngày,  Gấm đều mang về cho mẹ lo miếng ăn cả nhà. Không ít hôm, Gấm mãi miết bán đến 11, 12 giờ khuya mới về đến nhà.

Một lần, Gấm vào bán vé số ở một quán ăn. Mời mọi người nhưng đều nhận những cái lắc đầu, em quay đi… thì bỗng có người níu lại và bất ngờ mua hết vé số. Không những thế người khách tốt bụng ấy còn cho thêm một ít tiền. Đó là thầy giáo phụ trách văn phòng đoàn của trường Lương Thế Vinh (nơi Gấm đang học). Sau đó, thầy đến nhà thăm hỏi. Thầy đã vận động trường tặng học bổng học sinh nghèo vượt khó… Một lần khác, đi bán ngang trường học, bạn bè thấy Gấm đã chạy theo hỏi thăm. Gấm vừa tủi thân, vừa mắc cỡ nhưng khi nhận ra tấm lòng của bạn dành cho mình, Gấm đã gạt bỏ những mặc cảm, buồn tủi và quyết tâm học.

Bươn chải giữa cuộc đời, Gấm đã từng chứng kiến tấm lòng của những con người nhân ái cũng như từng đối mặt với những cạm bẫy, lọc lừa. Có lần đi bán vé số cùng chị Hai, Gấm bị người ta lừa, đổi số cạo trúng giả lấy hết vé số đến nỗi cụt vốn nên một thời gian dài Gấm không đi bán vé số nữa. Gấm nhớ lại: “Năm lớp tám, một lần đi bán vé số trên đường Phạm Văn Hai. Hôm đó đi suốt buổi mà chẳng bán được mấy vé, chợt có người đàn ông lớn tuổi chạy xe gắn máy đến bảo với em: “Lên xe đi một vòng với chú cho vui, chú cho con bốn trăm ngàn”. Em bỏ đi, người đó chạy theo bảo: “Không có gì đâu, tại chú buồn, cháu đi một vòng với chú cho vui, chứ có chuyện gì đâu mà cháu sợ! Lên đi, chú cho tiền…”. Lúc đó em liền nghĩ: Thì cứ lên xe cho ông ấy chở một vòng, mình sẽ có bốn trăm ngàn mang về cho mẹ trả nợ góp. Ông ấy chỉ chở thôi chứ có gì phải sợ…(!). Thế là em lên xe. Nhưng khi xe chạy được một đoạn, suy nghĩ tới suy nghĩ lui, và chợt nhận ra một điều – nếu biết được chuyện này mẹ sẽ không vui, nên khi gần tới khu Bảy Hiền, em nhất quyết đòi xuống xe. Giờ nhớ lại em còn nổi cả da gà”.
     
Nhiều em học sinh đã từng biết chị Gấm (hình 2, thứ hai từ trái qua) qua các bài báo khen ngợi, nay được nghe chính chị kể câu chuyện về cuộc đời mình, các em vừa cảm mến vừa khâm phục chị
Trong hoàn cảnh gia đình khó khăn đến thế Gấm vẫn học rất giỏi. Chuyển sang cấp ba, Gấm thi đậu vào trường chuyên Lê Hồng Phong. Kết quả ấy khiến Gấm vui mừng khôn xiết. Nhưng nghĩ tới điều kiện kinh tế gia đình, Gấm đành lắc đầu buồn bã: mình nghèo như vầy làm sao mà đi học được, lấy đâu ra tiền để trang trải bao nhiêu là chi phí… May mắn thay, biết được ý định của con, cha mẹ đã động viên Gấm ráng theo đuổi việc học. Gấm nhớ mãi ngày đầu đến lớp, một người bạn hỏi về nghề nghiệp cha mẹ. Gấm bảo: “Ba mình đạp xích lô”. Ngay hôm sau, người bạn ấy đã không chơi với Gấm nữa.

Gấm vừa buồn, vừa tủi. Nhưng rồi hình ảnh người cha cùng chiếc xích lô mỗi ngày đưa Gấm đến trường và chờ đón Gấm cùng với một xe chất đầy khoai, mía đã giúp Gấm gạt bỏ mặc cảm và tất cả những dị nghị về sự nghèo khó. Gấm đã tự nhủ, mình phải cố học thật giỏi để ba mẹ vui. Cũng lúc ấy Gấm chợt nhận ra một chân lý: muốn thoát nghèo chỉ có mỗi con đường: học.

Đến giữa năm học lớp 10, cô chủ nhiệm biết ba Gấm đạp xích lô, gia đình khó khăn nên đã xin học bổng cho Gấm. Đó là nguồn động viên tinh thần rất lớn để Gấm phấn đấu vươn lên và đỡ bớt phần nào gánh nặng cho gia đình

Kể về những tháng ngày khốn khó ấy, Gấm không bao giờ quên những năm tháng cuối đời của người cha tội nghiệp. Giữa năm học lớp 11, ba Gấm bệnh nặng. Ông ho nhiều, gầy và sút ký nhanh. Cứ ba, bốn giờ chiều, sau mỗi bữa đạp xe về, nhà không có gì ăn, ông chỉ ăn mì gói cầm chừng. Biết mình bệnh nặng nhưng ông đã bỏ mặc, không chịu đi khám. Một lần mẹ Gấm liều đưa ba đi khám, và bác sĩ buộc phải nhập viện nhưng không có tiền ông đã quay về nhà. Khi ấy cô bé Gấm đã đi cầu xin khắp nơi để giúp ba qua cơn thập tử nhất sinh. Nhưng chỉ trong vòng một tháng ba Gấm qua đời. Đám tang ba, ngay cả quan tài cũng không có để khâm liệm, cứ ám ảnh mãi trong lòng Gấm. Khi ấy, toàn trường Lê Hồng Phong tổ chức đợt quyên góp số tiền hơn tám triệu để giúp gia đình Gấm.

Mất cha, gia đình mất đi một chỗ dựa khiến gia cảnh càng thêm khó khăn. Cứ mỗi chiều, mẹ Gấm cứ đi tới đi lui tìm mọi cách kiếm tiền để trả nợ. Để tránh chủ nợ đến đòi tiền, mỗi tối nhà tắt điện, mấy chị em Gấm nằm im trong nhà. Hễ cứ nghe tiếng gõ cửa là run, ai hỏi lại bảo mẹ không có ở nhà - thật ra mẹ Gấm nằm trốn trên gác. Những người hung dữ còn đòi khám nhà, đánh nhau. Nhiều đêm, mẹ lang thang ra ngoài trốn đến giữa khuya mẹ mới về. Nhiều lúc quẩn trí mẹ nghĩ liều: tự tử (!), nhưng thương đàn con thơ, bà lại gắng sống. Chủ nợ luôn là nổi ám ảnh, bà bỏ trốn – nhưng sau một, hai tuần lại quay về vì sợ con bị vạ lây.

Có dạo, cả gia đình Gấm chỉ biết trông mong vào tấm lòng của những nhà hàng xóm tốt bụng: họ đem qua cho lúc bát canh, lúc con cá, mớ rau...

Và viết nên câu chuyện Cổ tích.

Lên lớp 12, Gấm cũng nuôi ý định thi đại học, nhưng không có tiền luyện thi. Gấm lo lắng và buồn bởi phận nghèo. Nhưng ý chí phải học đã giúp Gấm bằng mọi cách chiến thắng tất cả những khó khăn. Trong khi các bạn cùng lớp tập trung luyện thi ở những cơ sở đắt tiền thì Gấm ra quầy sách cũ mua tài liệu về tự ôn luyện sau mỗi lần nhận được học bổng.

Sáng đi học, chiều bán khoai và tranh thủ thời gian không có khách Gấm miệt mài học bài, giải toán – mặc cho cảnh ồn ào, náo nhiệt đang diễn ra xung quanh. Gấm kể: “Vì mãi mê học, có lần em đã để mất… hủ kẹo, nhưng mẹ không rầy. Khi chọn trường thi đại học, em suy nghĩ kỹ lắm. Em thấy mẹ khổ, nhiều người xung quanh cũng khổ như mẹ. Bố chết cũng vì nghèo nên cuối cùng em quyết tâm thi Y, hy vọng sau này mình có thể làm một điều gì đó để giúp đỡ mọi người”.

Cô học nghèo đến nỗi suốt ba năm học cấp ba chỉ có một bộ áo dài đến lớp mà đều do những người nhân ái may tặng. Ngay cả chiếc xe đạp mini mà cô hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh tặng cho Gấm năm lớp 11 để Gấm khỏi đi bộ đến trường cũng chỉ gắn bó với Gấm chưa đầy hai tháng. Vì quá túng bấn, mẹ Gấm phải mang đi cầm.

Thế nhưng nghị lực phi thường cùng ước mơ một cuộc đời tươi sáng hơn đã giúp cô bé bán vé số, bán khoai ngày nào dệt nên chuyện cổ tích thời hiện đại. Trong kì thi đại học năm đó Gấm đã đỗ vào ba trường: ĐH Y dược, Trung tâm Đào tạo cán bộ y tế TP.HCM và khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và chọn học ngành Y để trở thành bác sĩ.

Giản dị, cởi mở và gần gũi, bác sĩ Trần Bình Gấm nán lại trò chuyện cùng các em học sinh sau giờ giao lưu chính thức
Nhưng khó khăn vẫn chưa ngừng thử thách cô tân sinh viên trường Đại học Y dược Trần Bình Gấm.
Khi Gấm học năm thứ tư đại học, mẹ lại đổ nợ. Cùng cực đến nỗi mẹ Gấm phải bán đi từ chiếc đồng hồ treo tường đến hộp kẹo sô-cô-la của một người bạn ở nước ngoài gởi cho. Riêng Gấm, nhân sinh nhật được bạn bè gom tiền mua tặng cho chiếc xe đạp để đi học. Mẹ cũng phải đem cầm rồi mất luôn do không có tiền chuộc.

Lúc Gấm học năm thứ năm đại học, mẹ phải cùng chị Hai phải bỏ trốn ở tận Củ Chi vì chủ nợ vây xiết. Gấm cùng em gái dạy kèm, gánh gồng lo cho hai em trai và dành dụm trả nợ... Gấm kể: “Thời gian này gia đình em lại khốn đốn, khủng khiếp lắm, đến nỗi cái chén, đôi đũa cũng không có tiền mua. Khi đăng ký thi nội trú, sát tới ngày thi số tiền hơn một trăm nghìn cũng không có nộp, phải chạy mượn bạn bè. Ngay cả khi lễ tốt nghiệp cũng không có tiền thuê áo, phải mượn”.

Trong khoảng thời gian này, Gấm phải vừa học vừa lo kiếm tiền nuôi các em ăn học vừa gửi cho mẹ ở Củ Chi sinh sống - vì chị Hai làm công nhân không đủ tiền để trả tiền thuê phòng trọ.

Một lần nữa ý chí của Gấm lại được thử thách, trui rèn. Gấm quyết tâm không nghỉ học, để vượt qua, Gấm đi dạy kèm và dùng chính kết quả học tập mình đạt được làm động lực để vượt qua. Hơn nữa, bên cạnh Gấm còn có bạn bè thương yêu, quý mến, nhà trường tạo mọi điều kiện để giúp đỡ. “Có thể nói chỉ khi đến trường mọi nỗi buồn, mọi sự lo toan vất vả  mới được tạm quên”, Gấm tâm sự.

"Một gánh" ân tình và hai điều mơ ước.

Đậu đại học là niềm vui lớn nhưng làm sao có điều kiện để học lại là một nỗi lo. Trong cảnh nhà thiếu trước hụt sau, chạy ăn từng bữa thì số tiền học phí tính bằng triệu là một con số không thể nào lo nỗi. Gấm đã nghĩ đến việc bảo lưu kết quả để đi làm dành dụm tiền năm sau học. Biết được hoàn cảnh và tâm sự của cô học trò học giỏi, hiếu thảo, cô giáo Kim Dung, người dạy Toán hồi lớp 6 của Gấm đã gọi điện thoại đến báo Tuổi Trẻ nhờ giúp đỡ.

Ban biên tập báo Tuổi Trẻ đã tặng thưởng một triệu đồng - món quà mừng Gấm vào đại học và mời cô giáo Kim Dung cùng Bình Gấm dự lễ trao giải thưởng “Học trò giỏi - hiếu thảo” trong chương trình “Vì ngày mai phát triển” do báo Tuổi Trẻ và Công ty Đồng Tâm phối hợp tổ chức tại Cần Thơ ngày 23.8.1998.

Bài báo “Cô bé bán khoai đậu vào ba trường đại học” (Báo Tuổi Trẻ Số 97, ra ngày Thứ năm 20-8-1998) đã giúp cuộc đời Gấm trải qua một bước ngoặt mới. Cảm phục tinh thần hiếu học của Gấm, nhiều tấm lòng hảo tâm đã đến và hỗ trợ cho Gấm. Mọi người tặng quà, góp tiền ủng hộ và động viên Gấm tiếp tục việc học. Có bậc phụ huynh đến nhà giúp Gấm và lấy hình ảnh của Gấm làm tấm  gương để dạy bảo con mình. Từ sự giúp đỡ của nhiều nhà hảo tâm, nhiều công ty, trong đó có công ty sữa Vinamilk,  không những gia đình Gấm dần qua cơn khốn đốn mà việc học của Gấm cũng được bảo trợ.

Gấm tâm sự: “Bài báo đã làm thay đổi cuộc đời em. Nợ nần của mẹ dần dần trả được, em mang ơn rất nhiều, hy vọng chỉ có học thật tốt mới mong trả nợ”.

Sau sáu năm, cô bé bán vé số, ban khoai ngày nào giờ đã là một bác sĩ đa khoa. Ngày tốt nghiệp đại học (cuối năm 2004), tay cầm tấm bằng, xúng xính trong bộ lễ phục, Gấm gầy nhưng chững chạc hơn và nét mặt rạng ngời hạnh phúc. Với thành tích hoc tập khá của mình Gấm tiếp tục thi vào Nội trú Lão khoa, Bệnh viện Thống Nhất.

Đến hôm nay, có lẽ gánh nặng trên vai của Bình Gấm không phải là những khoản tiền vay-nóng-lãi-cao như những năm trước đây nữa, mà là gánh nặng ân tình với cuộc đời, với những tấm lòng nhân ái đã nâng đỡ cô  trong lúc khó khăn. Để đền đáp gánh nặng ân tình ấy,  Bình Gấm đã có hai ước mơ: giúp cho học sinh nghèo có điều kiện thu nạp thêm kiến thức để đủ sức vào đại học và giúp cho những bệnh nhân nghèo…

Nghĩ là làm, vừa qua Gấm đã mở lớp để giới thiệu gia sư tạo điều kiện cho sinh viên nghèo với mức phí thấp nhất để bản thân các bạn có thêm thu nhập duy trì việc học đại học đồng thời giúp những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện được trau dồi thêm kiến thức và luyện thi đại học.. Ngoài ra, Gấm còn cho biết: “Đến khi có điều kiện mở phòng khám, em sẽ dành một ngày trong tuần để khám và chữa bệnh cho người nghèo, không lấy tiền…” 
Trải qua những năm tháng khó khăn thời niên thiếu, bác sĩ Trần Bình Gấm luôn tri ân những tấm lòng đã giúp đỡ mình và chị luôn tâm niệm sống phải có ích cho cuộc đời. Đối với chị, đó là hạnh phúc 

Nghĩ về những năm tháng đã qua, có đôi khi Gấm giật mình hoảng hốt. Động lực nào, sức mạnh nào đã giúp mình vượt qua những thời khắc cùng đường như thế?  Nghĩ lại một phần do mình phấn đấu, nhưng điều đáng quý nhất, chính là những lúc khốn cùng lại có những tấm lòng, những bàn tay đưa ra nâng đỡ kịp thời. Chính vì thế, sau khi tốt nghiệp đại học Gấm quyết định ở lại học tiếp như  một cách tri ân tấm lòng của mọi người. Học tiếp để sau này đóng góp nhiều hơn cho xã hội – đó là tâm nguyện của Gấm.

Bình Gấm đã trở thành niềm tự hào của mẹ, tấm gương sáng để các em của Gấm noi theo. Học tấm gương chị Gấm, các em của Gấm cũng gạt bỏ mọi mặc cảm, khó khăn để lao vào việc học. Em gái Trần Bình Quý tuy nghỉ học từ năm lớp tám nhưng đã đăng ký học bổ túc và hiện đang học năm hai khoa Toán của Cao đẳng Sư phạm TP.HCM. Người em trai Trần Quý Phát cũng đang theo học Dược tá năm cuối. Em trai út Trần Cao Đạt, sinh viên năm hai trường Cao đẳng Kinh tế, khoa Kế toán và đang có dự định tiếp tục thi vào khoa Vật lý trường ĐH KH Tự nhiên.

Trong cuộc sống vẫn còn rất nhiều người nghèo, nhiều trẻ em không không có điều kiện đến lớp. Nhưng chúng tôi tin rằng, nếu có niềm tin, biết đề ra con đường học tập để giải thoát chính mình như cô bé bán khoai đậu ba trường đại học – Trần Bình Gấm và có sự hỗ trợ kịp thời của những tấm lòng nhân thì chúng ta sẽ có thêm nhiều câu chuyện cổ tích giữa đời thường.

Nghĩ về Gấm tôi nghĩ đến một tấm gương tiêu biểu cho nghị lực, hoài bão. Chị đã chiến thắng chính mình và chiến thắng cái nghèo. Tôi tin rằng, chị sẽ thực hiện thành công những ước mơ và bao dự định tốt đẹp cho mình, cho đời...
NGUYỄN TÝ

Không có nhận xét nào:

Đăng Kí Thành Viên