3/29/2014

Việt Nam đăng cai ASIAD: Nhà nghèo lại muốn chơi sang!

Ngày 8/11/2012, Hội đồng Olympic châu Á công bố Việt Nam chính thức giành quyền đăng cai ASIAD 2019 - Đại hội Thể thao lớn nhất châu lục. Việt Nam dự tính chi phí tổ chức và xây dựng cơ sở hạ tầng phải bỏ ra là 150 triệu đô - một con số ... hoang tưởng!

Cách đây tròn 1 giáp, Hàn Quốc tổ chức ASIAD tốn mất 2,9 tỉ USD. Sau đó 8 năm, ASIAD Quảng Châu ngốn 19,7 tỉ USD. Sau gần một thập kỷ, với bản tính cần cù lao động - chịu thương chịu khó - tiết kiệm tằn tiện, nhưng lại có một tinh thần ủng hộ quốc tế - thân thiện - mến khách của người Việt Nam, con số chi phí bỏ ra chắc chắn phải lên đến hàng chục tỉ, chứ đừng nói là hàng tỉ!

Bên cạnh đó, vừa có một thông tin "sét đánh" được Bản đồ nợ công toàn cầu công bố: Trung bình, mỗi người dân Việt Nam đang chịu 868,36 USD nợ công (gần 20 triệu đồng). Nợ trên đầu đã è cổ, chúng ta có đang tự tay đeo gông mình khi tiếp tục oằn lưng phục vụ một giải đấu thể thao, phần nhiều mang tính giải trí?




Mới đây, PGS. Văn Như Cương đã chia sẻ trên facebook: "Nghe nói ta được đăng cai ASIAD 18 là vinh dự lắm, là sẽ được các nước phục lắm, là mở rộng tiếng tăm lắm, là người đến VN du lịch đông lắm, là thanh niên ta sẽ khỏe mạnh lên nhiều lắm…Nhưng cũng nghe nói là tốn tiền nhiều lắm lắm … Chỉ riêng cái đường đua xe đạp lòng chảo cũng phải 10.000 tỉ đồng (chỉ mới dự trù, chắc còn đội lên nhiều lần…) . Nếu dùng 10.000 tỉ đồng đó mà xây cầu để cô giáo và học sinh khỏi vượt suối bằng cách chui vào túi ny-lông thì được bao nhiêu cái cầu nhỉ ? Câu trả lời là 3.000 cái !"

10.000 tỉ đồng cho một công trình, thử hỏi để phục vụ một chuỗi các hoạt động thi đấu cho khắp châu Á, Việt Nam phải xây dựng mấy chục, thậm chí mấy trăm những công trình, những 10.000 tỉ đồng như thế này.


Thể thao là kiểu phô trương sức mạnh, sự đoàn kết và khích lệ lòng tự hào dân tộc khi thế giới đang hoà bình. Nhưng thử xem lại tình hình nội lực đất nước xem, an sinh xã hội chưa được đảm bảo, hàng loạt các công ty doanh nghiệp bị phá sản, bất động sản không mấy khởi sắc, đời sống của người dân trong nước chưa được đảm bảo, nền kinh tế quốc dẫn vẫn còn vật vã trong bối cảnh khủng hoảng kéo dài. Vậy có phải là vô bổ, vô nghĩa nghĩa và quan trọng nhất là tốn tiền vô ích trước mắt và cả về sau không? Nói Việt Nam là người nghèo nhưng thích xài sang, kể cũng không ngoa.

Đó là chưa kể, chi phí đầu tư xây dựng là một chuyện. Sau khi tổ chức xong ASIAD, cái lòng chảo ấy để làm gì? Nuôi gà hay bỏ không? Còn nhớ nhiều quốc gia xây dựng sân bóng đá tổ chức World Cup, sau khi tổ chức xong, sân bỏ không vì không có tiền bảo trì hàng tháng cho sân bóng. Hãy nhìn Hy Lạp để thấm thía bài học để đời. Athen đăng cai Olympic 2014, để rồi hệ lụy nợ nần chồng chất với đau như rát muối đến tận thời điểm này. Các công trình sau khi phục vụ cho Olympic đều bỏ ngỏ. Chúng trở nên vô giá trị, bị bỏ hoàng, cơ sở hạ tầng đi xuống, trở thành đống sắt vụn không hơn không kém? Không lẽ Việt Nam vẫn bất chấp "noi gương" Hi Lạp, vì một phút huy hoàng trong chốc lát nhưng để người dân sống khốn khó cả đời?


Đâu đây, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trên các mặt báo giấy cho đến báo mạng, và trên cả những chiếc loa phường ngày nào cũng rang rảng bài học "Chống lãng phí". Đã đến lúc phải tỉnh lại đi Việt Nam ơi, xin rút đăng cai ASIAD 2019 còn kịp!

Xem đầy đủ: http://vitalk.vn/threads/viet-nam-dang-cai-asiad-nha-ngheo-lai-muon-choi-sang.587605/#ixzz2xND1LiN9
Follow us: vitalkforum on Facebook

Không có nhận xét nào:

Đăng Kí Thành Viên