12/12/2013

Người thầy đáng kính của tôi

Cảm ơn điểm 0 cô dành cho em
TTO - Đã sáu năm trôi qua, giờ đây tôi đã là sinh viên năm cuối nhưng với tôi, những kỷ niệm về cô - người mà tất cả học sinh trong lớp từng ký đơn xin thay giáo viên - vẫn luôn còn mãi…
Cô Trần Thị Hà (áo vàng) và các học sinh trong giờ ra chơi của tiết học thể dục. Đây là bức ảnh cô chụp cùng các học sinh khóa học 2009 - 2012 - Ảnh và chú thích ảnh do tác giả bài viết cung cấp
Năm lớp 10, tôi là học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (Thường Tín, Hà Nội). Hồi đó không phải thi lên cấp III như hiện nay mà chỉ xét học bạ. Nhưng trước khi vào học chính thức tôi phải thi để phân ban học. Tôi thi vào khối C với điểm tổng ba môn không thuộc diện cao nhất nhưng riêng môn ngữ văn thì đứng đầu toàn khối. Tôi nghĩ đó là khởi đầu đáng tự hào. Nhưng khi nghe các anh, chị khóa trước kháo nhau rằng cô Hà - người sẽ dạy môn văn lớp tôi - rất khó tính, tôi có chút lo lắng.
Các thầy cô trong trường và học sinh phải thừa nhận cô Hà dạy giỏi, nhưng những học trò “nhất quỷ nhì ma” như tôi thì không xem trọng điều đó lắm. Cô dạy theo phương pháp mới là lấy học sinh làm trung tâm và cô chỉ là người dẫn dắt, khơi mở kiến thức. Tuy nhiên, học sinh chúng tôi đã quen học theo lối “đọc - chép” nên rất khó bắt kịp cách dạy của cô.
Quả thật cô rất khắt khe, nhất là với những học sinh lười học bài và không nghiêm túc trong giờ học. Cô có thể dành 15 phút, thậm chỉ là cả tiết học để kiểm tra bài cũ. Chính vì thế, điểm kiểm tra miệng lớp tôi luôn “lập kỷ lục” điểm 0, ngay cả điểm kiểm tra 15 phút, 1 tiết đều rất kém. Vậy là ý định thay giáo viên khác đã được lớp hưởng ứng.
Thế nhưng không có một lá đơn xin thay giáo viên nào được gửi đi. Tôi cũng dần lơ là việc học bài cũ vì nghĩ rằng điểm kiểm tra miệng không quan trọng và tôi vẫn luôn là “học trò cưng” của cô. Ngày hôm đó, cô lên lớp và kiểm tra bài cũ như mọi khi, tôi bị hai điểm 0 cùng lúc vì không soạn bài và không thuộc bài. Đây là những điểm 0 đầu tiên môn văn sau 10 năm học của tôi và điểm 0 đầu tiên của một học sinh đã luôn đứng đầu lớp về học lực. Ban đầu tôi giận cô lắm, nhưng sau đó thì thấy xấu hổ. Cô nhìn tôi và lắc đầu vẻ thất vọng. Những ngày sau đó, tôi càng ác cảm với cô thì càng quyết tâm học.
Thời gian trôi qua, không chỉ tôi mà các bạn trong lớp đều tiến bộ môn văn một cách trông thấy.
Nhớ lắm lời dặn trước khi cô nghỉ sinh em bé và gửi tôi cho cô giáo luyện học sinh giỏi đi thi tỉnh môn văn với lời nhắn: “Thắng không kiêu, bại không nản, em nhé!".
Ngày 20-11 hằng năm, lớp tôi lại tụ họp và rủ nhau đến thăm các thầy cô giáo. Khi nhắc tới cô Hà các bạn thường trêu nhau: “Không biết bọn mình nhớ cô hay nhớ điểm 0 của cô nhỉ?".
Vậy đấy, sẽ chẳng có người thầy nào giỏi khi học trò không muốn học và cũng chẳng có trái ngọt nào mà không được ươm mầm từ sự cố gắng. Chúng ta vẫn thường đổ lỗi cho người khác khi không đạt kết quả như ý. Nhưng có khi nào ta tự hỏi: “Mình đã hết mình với công việc ấy chưa?”.
Giá mà em có thể nhận ra điều ấy sớm hơn. Cảm ơn cô vì tất cả!
NGUYỄN THỊ MINH
Mời tham gia viết về Người thầy đáng kính của tôi
Bạn đọc thân mến, có những người thầy - người cô để lại dấu ấn đẹp trong trái tim học trò. Có những hồi ức về "người đưa đò" thân thương neo giữ dài lâu trong tâm hồn - trở thành động lực để ta vươn tới.
Nhân dịp Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, Tuổi Trẻ Online mời bạn đọc tham gia nội dung viết Người thầy đáng kính của tôi để sẻ chia tình cảm dành cho những người thầy - người cô kính yêu.
Nội dung bài viết là những câu chuyện, kỷ niệm có thật, xúc động, sâu sắc về người thầy - người cô có thật, để lại ấn tượng sâu đậm trong quãng đời đi học của bạn. Đó cũng có thể là tấm gương nhà giáo để bạn noi theo hoặc truyền cảm xúc cho những khát vọng của bạn.
Bài viết tham gia vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu, không quá 800 chữ, có đầy đủ thông tin về tác giả, có tên đầy đủ và nơi công tác cụ thể của người thầy - người cô được nhắc đến trong bài.
Bài viết gửi về Tuổi Trẻ Online chưa từng đăng trên bất kỳ tờ báo, tập san hay ấn phẩm nào.
Vui lòng gửi kèm hình ảnh rõ nét về người giáo viên được nhắc đến trong bài, kèm chú thích ảnh cụ thể về thời gian, địa điểm, hoàn cảnh chụp. File ảnh vui lòng gửi riêng (không dán vào file bài viết).
Nội dung viết này dành cho tất cả bạn đọc trong và ngoài nước. Bài được chọn đăng sẽ có nhuận bút. Bài viết và mọi thắc mắc gửi về email thuymai@tuoitre.com.vn, từ nay đến hết ngày 20-11-2012.
Tuổi Trẻ Online chào đón sự tham gia của tất cả bạn đọc để cùng tạo nên một không khí ấm áp, thân thương chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam năm nay.
TTO

Không có nhận xét nào:

Đăng Kí Thành Viên