Một hoang thai bọc trong cái váy đụp ở lò gạch cũ, một vật cho không, một món hàng, một đứa trẻ không cha không mẹ đi ở lần hồi, làm canh điền cho Lý Kiến, đi tù 7, 8 năm trở về làng Vũ Đại, trở thành một trong hai con quỷ dữ, để rồi cuối cùng "bọn chúng giết nhau, nào có phải cần đến tay người khác đâu". Đó là cuộc đời đầy máu và nước mắt, là những cuộc rạch mặt ăn vạ và đâm thuê chém mướn của Chí Phèo. Từ một nông dân lương thiện, Chí Phèo đã bị xã hội thực dân phong kiến xô đẩy vào con đường lưu manh tội lỗi.
Chí Phèo đi tù từ năm 20 tuổi. Chí về lại làng năm 27, 28 tuổi. Năm hắn tự sát ngoài tuổi bốn mươi. Có lẽ từ khi Chí Phèo trở thành "anh đầy tớ chân tay" của Bá Kiến trong khoảng hơn mười năm trời, hắn đã đến nhà "cụ Bá" rất nhiều lần để "người ta giao cho hắn" đâm chém, mưu hại, phá phách... Tuy nhiên, Nam Cao chỉ kể lại 3 lần Chí Phèo đến nhà Bá Kiến.
Lần thứ nhất hắn đến nhà Bá Kiến ngay hôm sau hắn trở về làng. Uống rượu, ăn thịt chó ở chợ, từ trưa tới xế chiều, say khướt, Chí Phèo cầm cái vỏ chai đến nhà Bá Kiến, gọi tên tục ra chửi, làm cho "mồ mả tổ tiên đến lộn lên mất". Hắn đến để trả thù, để hỏi món nợ Bá Kiến đẩy hắn vào tù. Xô xát với Lí Cường, rồi hắn đập chai vào cột cổng, rạch mặt, kêu làng, ăn vạ. Nhưng cụ Bá ranh ma đã xử nhũn, mời hắn vào nhà, giết gà mời hắn uống rượu. Chí bỗng nhiên trở thành người có họ với Lí Cường, được đãi thêm đồng bạc, hắn hả hê ra về...
Bốn hôm sau hết tiền, Chí Phèo ra quán mua chịu một chai rượu, vặn ba bốn quả chuối xanh, bốc của cô hàng xén một nhúm con muối, hắn về cái miếu ở bờ sông uống rượu nhắm với chuối xanh chấm muối trắng. No say, hắn vác dao đến thẳng nhà Bá Kiến, gặp ai hắn cũng bảo: "Hắn đến nhà cụ Bá đòi nợ đây!". Hắn đến kêu cụ Bá "lại cho con đi ở tù" vì "ở tù sướng quá!". Nếu không được "thì con đâm chết dăm ba thằng, rồi cụ bắt con giải huyện. Hắn nghiến răng, lấy dao sắc tần mần gọt cái bàn lim". Trị không được thì cụ dùng. Chỉ một tiếng cười, một câu nói khích, cụ Bá đã sai được Chí mang dao đến nhà đội Tảo, một tay kình địch của y, đòi nợ năm chục bạc. Chẳng cần đổ máu, Chí Phèo lấy được món nợ. Cụ thưởng "cho Chí năm đồng, cấp cho Chí mảnh vườn cạnh bờ sông làm chỗ ở". Chí tự đắc, thấy mình "oai thêm bậc nữa", vênh mặt: "Anh hùng làng này cóc thằng nào bằng ta!". Chí trở thành "anh đầy tớ chân tay mới" đắc lực của Bá Kiến, con quỷ dữ của làng Vũ Đại.
Lần thứ ba được nói đến, Chí Phèo đến gặp Bá Kiến lúc Chí Phèo đã "bốn mươi hay ngoài bốn mươi". Bộ mặt của Chí lúc bấy giờ là "mặt của một con vật lạ" sẹo vằn dọc vằn ngang màu "vàng vàng... xạm màu gio". Sau 5 ngày đêm cùng với Thị Nở ân ái "đôi lứa xứng đôi", được ăn cháo hành, Chí Phèo muốn làm lại cuộc đời. Chí thèm lương thiện muốn làm hòa với mọi người. Bà cô Thị Nở không cho Thị Nở lấy Chí Phèo. Tức giận, Chí Phèo uống rượu thật say tìm đến nhà Thị Nở. Trên đường đi, hắn đã xông thẳng đến nhà Bá Kiến. Không cần xin tiền, hắn dõng dạc nói với Bá Kiến: "Tao muốn làm người lương thiện!". Nhưng "Ai cho tao lương thiện?... Tao không thể là người lương thiện nữa...". Và "chỉ có một cách là..." Chí Phèo văng dao tới chém túi bụi Bá Kiến. Vừa chém vừa kêu làng thật to. Rồi Chí Phèo tự đâm vào cổ mình, tự sát. Lúc chết "mắt hắn trợn ngược, mồm hắn ngáp ngáp, muốn nói, nhưng không ra tiếng". Xác hắn nằm "giữa bao nhiêu là máu tươi".
Sau mỗi lần Chí Phèo đến gặp Bá Kiến, hắn bị dụ dỗ, bị mua chuộc, bản tính hắn thay đổi, từ một nông dân, một tên đi tù về, trở thành con quỷ dữ làng Vũ Đại, Chí Phèo bị lưu manh hóa, bị Bá Kiến xô đẩy vào vòng tội lỗi, đâm thuê chém mướn,... Nam Cao đã miêu tả tính cách Chí Phèo phát triển theo con đường lưu manh hóa của hắn. Chí Phèo đã được xây dựng thành một nhân vật điển hình. Nếu truyện "Chí Phèo" được đánh giá là một tác phẩm xuất sắc trên cả hai mặt hiện thực và nhân đạo về đề tài nông dân thì những đoạn kể về chuyện Chí Phèo đến nhà Bá Kiến là những đoạn cốt lõi tạo nên giá trị ấy.
Truyện "Chí Phèo" không có nhiều nhân vật. Từ bà Ba đến Thị Nở, từ bà cô Thị Nở đến Tự Lãng làm nghề thầy cúng kiêm hoạn lợn, từ Bá Kiến đến Chí Phèo,... nhà văn Nam Cao đã làm hiện lên bức tranh nông thôn Việt Nam đêm trước Cách mạng. Đặc biệt qua 2 nhân vật Bá Kiến và Chí Phèo, những lần gặp gỡ, đối địch nhau, Nam Cao đã cho thấy cuộc xung đột rất gay gắt ở nông thôn nước ta trước đây. Bọn cường hào gian ác mà tiêu biểu là Bá Kiến "bốn đời làm tổng lý" vô cùng xảo quyệt không chỉ bóp nặn làm giàu bằng sưu thuế, bằng chiếm ruộng, cắm nhà, mà còn dùng mọi thủ đoạn mua chuộc, xô đẩy người nông dân vào con đường lưu manh, tội lỗi. Đau đớn nhất là Chí Phèo đã bị bóc lột tận xương tủy, bị cướp đi cả hình người lẫn linh hồn người. Cho dù Chí muốn phục thiện, rất thèm lương thiện, muốn làm hòa với đồng loại nhưng cũng không được nữa. Con đường hoàn lương của những Binh Chức, những Chí Phèo... đã bị chặn đứng. Họ ngày một bị nhấn chìm vào vũng bùn tội lỗi thành quỷ dữ và chỉ có thể chết mà thôi! Truyện "Chí Phèo" đã phản ánh ở chiều sâu đời sống lam lũ, kiệt quệ, xơ xác, nạn cờ bạc, rượu chè, lưu manh hóa... của người nhà quê trong thời kì 1930-1945. Một bức tranh thê thảm "sân đình máu chảy, đường thôn lính đầy" với những cuộc đời tủi nhục "bát cơm chan đầy nước mắt".
Truyện "Chí Phèo" còn có giá trị nhân đạo sâu sắc. Với cái nhìn thương cảm, tác giả đã phát hiện ra cái đốm lửa của thiên lương còn le lói trong đáy tâm hồn của những người lao động bị xã hội cũ làm cho biến chất. Nó cho ta thấy lòng khao khát của người nghèo khổ muốn được sống hạnh phúc trong một cuộc đời bình dị, thấy được nguyên cớ sâu xa tinh thần phản kháng dữ dội, tiềm tàng trong con người họ.
Truyện ngắn "Chí Phèo" đã để lại nhiều ám ảnh trong lòng người đọc. Nó mãi mãi là lời kêu cứu, là tiếng chuông báo động hãy cứu lấy con người, hãy bảo vệ quyền sống lương thiện của người lao động. Chính quỷ dữ đã gây mầm quỷ dữ. Có diệt trừ tận gốc quỷ dữ thì người lương thiện mới được sống yên lành.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét