Mục đích cuối cùng của cuộc đời bạn là gì? Bạn muốn trở thành Tổng thống Hoa Kỳ, trở thành người quyền lực nhất hành tinh này? Hay mục đích sống của bạn là là thành viên các câu lạc bộ tỷ phú, nằm trong nhóm thượng lưu giàu có nhất thế giới? Chẳng có gì là sai với những nguyện vọng mà bạn chọn theo đuổi.
Đó là những khát khao mà nhiều người hướng tới. Hoặc có thể họ chỉ muốn trở thành Thống đốc, chứ không cần là Tổng thống, là CEO của một trong 500 công ty lớn nhất Hoa Kỳ, chứ không cần nằm trong top 10, trở thành một triệu phú, chứ không cần là một tỷ phú.
Dù thế nào đi chăng nữa thì những mục tiêu này đều gắn với việc đánh giá thành công thông qua tích lũy quyền lực và tiền bạc.
Ý của tôi là bạn có thể đạt được cả quyền lực và tiền bạc, nhưng những thứ đó chưa chắc đã mang lại cho bạn phần thưởng lớn nhất, là hạnh phúc cuối cùng. Sự thật là tất cả những năng lượng tiêu cực hướng tới việc giành giật quyền lực hay tiền bạc hay cả hai thứ đó đều có thể khiến bạn thiếu trọn vẹn.
Dưới đây là những phân tích về cả 3 mục đích này. Quyền lực là thứ được thúc đẩy bởi những ham muốn bản ngã của bạn. Tiền bạc là do nhu cầu vật chất, còn tình yêu được dẫn đường bởi đam mê của bạn với người khác.
Những chiến binh bản ngã
Hãy nhìn nhân vật chính trị gia xảo quyệt đã được thủ vai rất tài tình bởi Kevin Spacey trong bộ phim truyền hình “House of Cards”.
Hãy xem bản ngã của người đàn ông đầy hận thù và những hành động cực đoan mà ông sẵn sàng làm để đạt được vị trí cao nhất.
Khi đạt được nó, có thể ông ta thực sự hài lòng, nhưng câu hỏi đặt ra là: liệu ông có thực sự hạnh phúc không? Và nếu bạn cho rằng bộ phim chỉ là hư cấu thì hãy để tôi kể cho bạn nghe từ chính trải nghiệm của riêng mình, đó không phải là phim, nó là cuộc sống thực.
Trên con đường leo lên chiếc thang quyền lực để thỏa mãn bản ngã của mình, họ không quan tâm tới những người mà họ hạ thấp và bôi nhọ. Họ làm ăn bằng những cách vô đạo đức, thậm chí là bẩn thỉu. Họ lờ đi yếu tố đạo đức để có được đồng tiền bằng mọi giá. Việc họ gây nguy hiểm cho cuộc sống của người khác không làm họ phiền lòng.
Những thứ không mua được bằng tiền
Tiền chỉ là một hình thức định lượng những gì bạn có thể mua trong cuộc sống. Tuy nhiên, như những ca từ trong một bài hát của nhóm Beatles lừng danh: “Tiền bạc không thể mua được tình yêu và hạnh phúc”.
Tuần vừa rồi, khi ở cửa hàng tạp hóa, tôi đã chứng kiến mâu thuẫn giữa các thành viên trong một gia đình.
Tôi không thể giúp gì nhưng đã nghe thấy cuộc hội thoại của họ về những gì mà họ có khả năng mua trong khi đang cần một chiếc cửa sổ mới thay cho chiếc cũ bị nứt. Họ đã không thể mua cả hai. Đó là khi họ quyết định bỏ lại những gì ở quầy thu ngân. Nó khiến tôi sực nhớ tới gia đình mình khi còn là một đứa trẻ.
Chúng tôi thường xuyên trải qua tình cảnh tương tự, phải rút hết phiếu giảm giá và tiền trong túi may ra mới đủ trả hóa đơn. Đó là cách mà tôi được nuôi lớn – vật lộn để chi trả sinh hoạt phí.
Bố mẹ tôi đã từng phải đưa ra những quyết định khó như vậy. Cả nhà 7 người chúng tôi ở chung một căn nhà chỉ một phòng ngủ trong một khu tệ hại của thị trấn. Tiền bạc luôn luôn bí bách, nhưng tình yêu mà chúng tôi dành cho nhau thì vô hạn.
Vì thế, thứ thực sự có thể đánh gục tôi, bất kể vấn đề tài chính, là bạn có thể cảm nhận được tình yêu và ảnh hưởng mà các thành viên trong gia đình mang lại cho nhau. Bạn có thể đo lường được quyền lực, tài sản nhưng có một thứ bạn không thể đo lường được là sức mạnh của tình yêu thương. Bạn chỉ có thể cảm nhận được nó.
Niềm tin và sự lựa chọn
Tất nhiên hoàn toàn không có gì sai trái khi kiếm tiền một cách minh bạch, kiếm tiền dựa trên sự trung thực và tính toàn vẹn.
Tất cả chúng ta đều có những lựa chọn từ khi chúng ta có khả năng suy nghĩ cho bản thân mình. Niềm tin có trong tất cả mọi người.
Chúng ta có thể tin tưởng vào sức mạnh của tình yêu thương, tin tưởng vào hạnh phúc như là thành tựu cuối cùng trong cuộc sống của chúng ta.
Có một câu chuyện xưa kể rằng: Vào một buổi tối, một người đàn ông già nói với cháu trai về cuộc chiến diễn ra bên trong một con người.
Ông nói: “Cháu trai, cuộc chiến này là giữa 2 ‘con sói’ bên trong tất cả chúng ta. Một bên là Qủy dữ. Đó là sự tức giận, ghen tị, buồn rầu, tiếc nuối, tham lam, kiêu ngạo, tội lỗi, oán giận, tự ti, dối trá. Con bên kia là cái Tốt. Đó là niềm vui, hòa bình, tình yêu, hi vọng, sự thanh thản, khiêm tốn, lòng tốt, nhân từ, đồng cảm, rộng lượng, trung thực, từ bi và đức tin”.
Cậu bé suy nghĩ một lúc rồi hỏi ông: “Con sói nào thắng hả ông?” “Con sói mà cháu cho ăn” – ông cụ trả lời.
- Nguyễn Thảo(Theo Elite Daily)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét