2/18/2013

Cảm ơn


Văn hóa cảm ơn

TT - Trông người mà ngẫm đến ta

Một lần tôi đi dự hội nghị khoa học ở Thái Lan - đất nước rất gần với chúng ta. Thời gian rảnh rỗi tôi ghé vào siêu thị mua chút quà tặng người ở nhà. Quầy tính tiền khá đông người xếp hàng, trong đó có một bà cụ ngoài 70 tuổi đang đứng chờ với gói hàng nhỏ trên tay.
Mặc dù hàng khá dài, nhưng bà vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Thấy vậy, cô thu tiền liền đề nghị mọi người nhường cho bà cụ tính tiền trước. Mọi người vui vẻ đồng ý, cô nhân viên thu tiền liền cảm ơn tất cả khách hàng. Đến khi tính tiền cho tôi xong, cô chắp tay cảm ơn tôi. Điều này tôi thấy cũng hơi lạ nên liền hỏi cô: “Chúng tôi mua hàng và trả tiền có gì đâu mà cô cảm ơn”. Cô trả lời: “Chúng tôi thay mặt công ty cảm ơn quý khách đã sử dụng hệ thống siêu thị của chúng tôi, nhờ có quý khách mà chúng tôi phát triển được và gia đình chúng tôi mới có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.
Một lần khác, ở Chicago, Mỹ khá xa với chúng ta. Nhân một bữa đi dự tiệc của hội nghị chiêu đãi, sau bữa ăn, chúng tôi có để lại ít tiền lẻ để bồi dưỡng người phục vụ mà không biết rằng tiền bồi dưỡng ở đây phải là 10% trên tổng số tiền của hóa đơn. Tuy vậy người phục vụ vẫn vui vẻ nhận và cảm ơn chúng tôi với thái độ hòa nhã không có gì là khó chịu.

Hình như chúng ta hay quên lời cảm ơn
Là người sống lâu ở TP.HCM và các thành phố lớn, có khi ba bốn ngày tôi mới nghe thấy một lời cảm ơn. Bệnh nhân khám bệnh xong cũng không cảm ơn thầy thuốc trước khi rời buồng khám và cũng chẳng thấy thầy thuốc nào cảm ơn bệnh nhân đã tin tưởng và đến khám bệnh tại phòng khám của mình. Nhân viên bán hàng chẳng bao giờ cảm ơn khách hàng và khách hàng cũng chẳng bao giờ cảm ơn người phục vụ mình. Học trò nghe bài giảng xong cũng không cảm ơn thầy giáo dù chỉ là một tràng vỗ tay (nhưng khi đi dự các hội nghị thì thấy vỗ tay hơi nhiều, hình như chúng ta chỉ có thói quen cảm ơn cấp trên hay đi hội nghị để mà vỗ tay). Có nhiều nhà hàng, quán ăn khi tính tiền thực khách thường bồi dưỡng cho nhân viên phục vụ một ít tiền, nhưng nhân viên phục vụ cũng ít khi cảm ơn.

Chuyện không  thể ngờ
Cách đây khoảng hơn một tháng, đoàn bác sĩ Đại học Y dược TP.HCM đi khám từ thiện cho người dân tộc ở huyện Dambron - một huyện mới mở ở vùng sâu của tỉnh Lâm Đồng. Người đến khám bệnh rất đông và toàn là người dân tộc thiểu số, có người còn nói tiếng Kinh chưa sõi. Nhưng điều làm tôi bất ngờ là từ những em bé vài ba tuổi đến người lớn đều nói cảm ơn bác sĩ sau khi khám bệnh xong. Tôi rưng rưng nước mắt nói với PGS Võ Tấn Sơn - hiệu trưởng và là trưởng đoàn khám bệnh: “Không ngờ ở đây, tại vùng sâu vùng xa thế này mà người ta không quên tiếng cảm ơn. Biết bao giờ mọi người chúng ta mới không quên cảm ơn nhau”.
PGS NGUYỄN HOÀI NAM

Không có nhận xét nào:

Đăng Kí Thành Viên